top of page
Writer's pictureDang Quoc Truong

REVIEW AN DUYÊN - An Duyên in Chợ Lớn

Updated: Apr 28, 2021

#khámpháchợlớn, #yêubếp《 Tâm tình chị Giang - chị khách yêu "hợp duyên"》

---------------------

Biết tiệm nước này lâu lắm rồi, mà sáng chủ nhật này mới thong thả tới đây để có một bữa cà phê chuẩn phong vị Chợ Lớn, cũng vì Sài Gòn- Chợ Lớn hôm nay đã bình yên, ngày mai tụi trẻ lại đi học bình thường.


Sau khi rời tiệm hủ tiếu thì tới đây uống bạc tẩy xỉu phé (bạc xỉu, cà phê sữa ấy mà). Bữa sau sẽ uống cà phê kho nhé (tên gọi khác của cà phê vợt).


Mình gọi một ly hồng trà sữa nóng và một ly bạc tẩy xỉu phé. Hai ly mang ra, mình giật mình vì cái ly y hệt bên Singapore- nơi mình sang du lịch trước đây để viết về món bạc xỉu. Trường, bạn chủ quán cực trẻ gốc Triều Châu, sinh năm 1992 bật mí: Ngày trước người Peranakan bên Singapore cũng là một trong những thương gia lớn ở Chợ Lớn mình. Em đã qua Singapore mua ly về. Em là người Triều Châu ở Chợ Lớn, lớn lên trong một con hẻm nhỏ của người Hoa, giữ trọn vẹn nét đặt trưng Chợ Lớn, nhưng dần lớn lên, tìm hiểu em cảm nhận Chợ Lớn đang dần mai một, không ai còn kể lại những câu chuyện, giữ lại nét truyền thống của vùng này. Họ chỉ biết đến HongKong và nghĩ rằng Chợ Lớn cũng như vậy- "Hongkong bên hông Chợ Lớn".



Nhưng không, Chợ Lớn rất khác từ con người, văn hoá, ẩm thực và sự đa dạng tộc người trong giao thoa văn hoá. Nên em muốn mở một tiệm nhỏ với một ước mong nhỏ là cho mọi người hiểu, Chợ Lớn là Chợ Lớn, không phải Hongkong.


Lời tâm sự quá tuyệt. Tôi không chỉ ấn tượng với tất cả các chi tiết ở đây- mà tấm hình đính kèm sẽ tả hay hơn lời nói, mà còn là cái hồn cốt của tên gọi món ăn, thức uống.


Trường tâm sự: Ngày xưa em học ở trường Chính Nghĩa (Hội quán Sùng Chính quận 5)- (con trai mình cũng học trường này), em có là mối quen một a Phò (cụ bà) bán các món nước làm em nhớ hoài (như Hồng trà tắc, sữa Milo, Hồng trà sữa nóng, cà phê vợt) nên em cùng một bạn tên Đắc (bạn học culinary art bên Singapore) về cố giữ lại. Vì hiện nay không còn nhiều nơi bán thức uống "cũ kỹ" để người trẻ tìm về. Hèn gì, khi tôi tới nơi, quán chỉ toàn bạn trẻ, cũng giống như Cheo Leo bây giờ, các bạn trẻ tìm đến rất nhiều.


Về ẩm thực Chợ Lớn, An Duyên không khai thác chủ đề dimsum như các tiệm Quảng Đông. Trường muốn mang đến một bữa ăn quen thuộc của gia đình người Hoa, từ các món Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Hẹ... Em muốn để mọi người hiểu hơn, Chợ Lớn ẩm thực chịu sự ảnh hưởng của người Kinh, người Chăm từ miền Tây lên, khiến ẩm thực Chợ Lớn "độc nhất" chứ không chỉ có Dimsum mà mọi người thường dùng.


Điểm qua tên món ăn cho mọi người hình dung nhé: chả giò ngũ vị, tôm viên hạnh nhân, cá viên bách thảo, đậu hũ ma Bà, khổ qua cà ớt, thú linh xào cải chua, cơm chiên cá mặn gà xé, cơm chiên trứng muối thịt cua, hủ tiếu áp chảo, bún mì xào Phúc Kiến, canh bát bửu, canh chua cá Tứ Xuyên, giá xào cá mặn, hột gà chưng đường phèn….What a menu!!!

Âm nhạc Hoa lanh lảnh phát ra từ một cái loa cũ, nó giống hệt như nghe đĩa than vậy, cho nên tới đây, nó không chỉ là hình ảnh, mà còn là âm thanh, đồ uống, món ăn gợi lại giá trị xưa cũ vang bóng một thời.

Trường chia sẻ: Ngôi nhà An Duyên được xây từ những năm 1950s, ảnh hưởng phong cách thuộc địa Pháp và văn hoá khai thác thuộc địa Pháp, nhà ban sơ chỉ có 2 tầng, thuộc dãy nhà phố liền kề chạy dài từ đầu đường Trần Hưng Đạo dọc hết Trần Điện ngày nay (à ngay đầu Trần Điện giáp Trần Hưng Đạo là tiệm nước sâm lâu đời mình đã từng uống:


Nhưng hiện nay chỉ duy nhất chỉ còn tiệm An Duyên và ngôi nhà bên cạnh còn giữ lại, tất cả đều bị thay đổi. Với tư tưởng ăn món Hoa, ở nhà Pháp, tiêu chuẩn cuộc sống thượng lưu ngày trước tạo nên nét độc đáo của kiến trúc pháp tại Chợ Lớn. Việc kê thêm tầng giữa chính là nét đặt trưng của lối sống người Hoa Chợ Lớn - nhà tam tông đường, cơi nới thêm tầng để đủ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình hơn 11 người.


Kiến trúc Pháp có nét Gothic cổ điển với các cột chạm khắc hoa văn, kèm cửa lá sách, phối hợp duyên dáng với nét mái ngói của châu Á. Sự khác biệt đáng kể so với kiến trúc HongKong, bởi kiểu hình và màu sắc. Nhà Chợ Lớn phần nhiều dùng tone màu như Vàng, Đỏ, Xanh tượng trưng cho ngũ hành trong kiến trúc. Chính vì thế mà trong kiến trúc của người Hoa Chợ Lớn luôn được chọn màu Xanh, Vàng, Đỏ, biểu thị và mong muốn điều may mắn, đại cát, đại lợi.

Như mái lưu ly màu xanh: đối ứng với sinh cơ bừng bừng, tinh thần phấn chấn, mạnh mẽ hướng lên. Chi tiết tủ, kệ, ghế, bàn màu đỏ: đối ứng với sự náo nhiệt, rực rỡ. Tường vàng cam thuộc thổ, sự trung tâm, vững chãi.


Mấy lâu nay tập trung làm cookbook, giờ quay lại thực hiện tiếp cuốn sách Lang thang Sài Gòn- Chợ Lớn thôi vì tư liệu đã chất núi rồi.

Cảm ơn cộng đồng Yêu Bếp đã quan tâm và cảm ơn cô Admin xinh đẹp Phan Anh Esheep đã duyệt bài.


----

Commenti


bottom of page