Trong phần lớn câu chuyện của Pá về những ngôi chợ vùng Chợ Lớn, Pá luôn nhắc về Chợ Phú Lâm, nơi Pá từng đạp xe mấy cây số mua gạo cho a Mà bán cơm. Chợ Phú Lâm giờ đây đổi khác, không còn đóng vai trò quan trọng như xưa. Nhưng về ký ức và bề dày lịch sử thì hiếm có ngôi chợ nào lâu đời và hay ho như Phú Lâm. Cùng An Duyên ngược thời gian về những ngày đầu...
Trong thời kỳ thịnh vượng của mô hình chợ truyền thống, dân quận 5, quận 6 không ai không biết Chợ Phú Lâm, đây cũng là một trong những ngôi chợ cỗ xưa nhất được xây dựng trên đất Gia Định - Đề Ngạn.
Nguồn gốc tên chợ Phú Lâm
Trên bản đồ Gia Định Trấn do Trần Văn Học vẽ từ 1815 có ghi chú một số địa điểm nổi tiếng vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn ngày nay) gồm: Lò Gốm, Cây Mai Tự, Phúc Lâm Thị...
Trong đó Phúc Lâm Thị chính xác là Chợ Phú Lâm ngày nay. Do cách phát âm của người bản xứ mang nhiều sắc tộc, Hoa, Chăm, Việt mà có nhiều cách gọi cho một địa điểm như: người kinh gọi là Phúc Lâm, người Hoa gọi là Phước Lâm (Phúc - Phước đồng nghĩa)
Sau đó nhiều nhà sử gia và quy hoạch hành chính xác định chính xác tên gọi của chợ phải là Phú Lâm, do sự đồng nhất hình thành địa danh làng xã trên đất Sài Gòn - Gia Định bắt đầu bằng chữ Phú
Vị trí đặt biệt của chợ Phú Lâm.
"Lạ lùng xóm Lò Gốm
Chơn vò vò bàn cổ xây trời"
(Gia Định Phong Cảnh vịnh)
Vùng đất Phú Lâm xưa kia rất trù phú, là ngôi làng trải rộng từ Mũi Tàu Phú Lâm ngày nay, ôm theo Rạch Lò Gốm, qua Rạch Ông Buông, giá làng Tân Hóa, Tân Khai thuộc Bình Trị Đông.
Xung quanh Phú Lâm là cửa ngõ đường thiên lý đi miền Tây, vừa là vựa gạo lớn nhất đất Sài Gòn, có cả ga xe lửa Phú Lâm. Chợ Phú Lâm dần trở thành nơi chuyên cung ứng gạo cho toàn Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Vị trí chợ thuận lợi do nằm cạnh nhiều vựa chành, nhà máy xay lúa Bình Đông, gần bến Lò Gốm, huyết mạch vận chuyển gạo và hàng hóa khắp các lục tỉnh Nam Kỳ.
Dân cư Phú Lâm
Khu vực Phú Lâm là nơi cư trú lâu đời của người Chăm, sau đó người Việt từ đàng ngoài, người Minh Hương (người Hoa) từ Cù Lao Phố Biên Hòa di cư lên, tạo thành một ngôi làng đa sắc dân, sinh sống bằng nghề buôn bán, sản xuất gốm.
Do giao thương nhộn nhịp, xung quanh chợ Phú Lâm mọc lên thêm nhiều ngôi chợ lớn nhỏ khác như chợ Bà Hom (tỉnh lộ 10), chợ Cây Da Sà (đường số 6), giúp cả khu vực Phú Lâm phát triển thành khu thị tứ thịnh vượng, mở đường cho Khu cư xá Phú Lâm A, B, bán cho công chức và quân nhân trong khoảng thập niên 1960, trường Mạc Đĩnh Chi, trường Phú Lâm cũng mọc lên đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng thị tứ.
Kể tới đây, a Pá lại nói vùng Phú Lâm còn nhiều cái thú vị hơn, mà bây giờ mất tích, nào là Tháp Hòa Đồng Tôn Giáo của ông Đạo Dừa đã bị dỡ bỏ không một chút lưu tích, nào là tháp Radar Mỹ xây dựng to đùng đoàng lính canh phòng sớm đêm, nào là khu An Dưỡng Địa Phú Lâm với những nấm mồ đá ong xưa cũ, biết bao chuyện ma thất tình, ma tóc dài, ma vong nhi....
Bây giờ Phú Lâm khác nhiều, những điều hay ho đã biến mất đặt biệt là chợ Gạo đầu mối mà Pá hay đạp xe đi giờ đã bị di dời về mảnh đất rộng trên Tần Hòa Đông, nhà ga Phú Lâm nay trở thành siêu thị Coop Mart, những mảnh ký ức đó trở nên thật đẹp, để lại cho những thị dân từng trải một cảm giác tiếc nuối vu vơ.
----------------------------------------
AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn 𝐖𝐞𝐛:anduyencholon.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5
NHÀ HÀNG CHAY BẾP XANH AN DUYÊN 𝐖𝐞𝐛:bepxanhanduyen.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.2212.9947 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 10 Nguyễn Tri Phương, P6, Q5
Comments