Đối với người Hoa tại Chợ Lớn, đám tang chính là sự phản chiếu của tinh thần thân tộc, và sự coi trọng huyết thống trong gia đình, là một sự kiện quan trọng bật nhất không những ảnh hưởng đến người lâm chung, mà còn cho con cháu sau này. Cùng An Duyên điểm qua sơ lược bản sắc người Hoa qua đám tang ở Chợ Lớn
* Nhắn nhủ: bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính chất quy định chuẩn mực đúng sai, các nhóm người Hoa Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ, Quảng Đông, mỗi gia đình và truyền thống xưa, nay có những nghi lễ có nhiều điểm khác nhau.
Nghi lễ tang ma của người Hoa Chợ Lớn trong mắt nhiều người có lẽ ồn ào, rườm rà, kéo dài mấy ngày trời, nhưng nếu đọc qua bài này có lẽ bạn sẽ hiểu thêm được vai trò kế thừa tính nhân văn từ những quy định trong tang chế của Nho giáo, tính ngưỡng dân gian của Đạo giáo và sự ảnh hưởng của Phật giáo nơi đây. Lễ tang thể hiện sự tiếc nuối cho người quá cô và bày tỏ sự hiếu thảo, chữ trung từ bạn bè đối với người đã khuất.
Nghi thức Tống chung
Người sắp ra đi sẽ được con cháu đem đến chính tẩm (nơi quan trọng nhất trong nhà tránh nơi thờ tự), đặt nằm ngay ngắn, thoải mái để trăn trối, lau sạch nhục thể,
Khi người đã khuất, đặt lên chiếu, đầu hướng ra ngoài, chân đựng chén dầu nhỏ, thắp sáng, đấy chính là "trường minh đăng". thay y phục:
Người Phúc Kiến không đậy mặt cho người chết
Người Hoa Hải Nam dùng một chiếc khăn vuông màu đỏ để đậy mặt
Người Triều Châu không dùng gối để gối đầu mà dùng hai thỏi giấy tiền vàng mã: một đầu vàng một đầu bạc… áo quần cắt hết túi.
Còn người Hẹ, thường chặt đôi chiếc đòn gánh, một đoạn dài, một đoạn ngắn được bỏ vào quan tài lúc tẩm liệm, đoạn dài dành cho người còn sống (vợ hoặc chồng) đoạn dài được gác bên quan tài. Việc chặt đôi chiếc đòn gánh, theo quan niệm của đồng bào có ý nghĩa như một sự chia lìa.
Người Quảng Đông: 3 quần, 2 áo theo thứ tự trắng, đen, xanh, xám, tro và một áo bằng vải gấm ở ngoài cùng. Ngoài ra còn cắt tóc cho người chết.
Nghi lễ:
Đặt tên thuỵ: Dựa trên tính cách, phẩm hạnh lúc còn sống để đặt tên cho người chết, khi cúng sẽ sử dụng tên này.
Lễ hạ tịch: Là nghi lễ đặt người chết xuống mặt đất (đã trải sẵn một tấm chiếu) với hy vọng sinh khí của mặt đất sẽ làm người chết hồi tỉnh lại, sau đó lại đặt người chết lên tấm phản hoặc giường, chân đạp về hướng cửa chính.
Lễ phục hồn: Người Hoa quan niệm người mới chết, hồn vừa lìa khỏi xác, còn đang quanh quẩn ở rất gần, có thể dùng nghi lễ gọi hồn trở lại, gọi là lễ “phục hồn”.
Lễ phạm hàm: Khi gia đình có người thân mới qua đời, người Hoa thường bỏ vào miệng người chết một ít vàng, vài hạt gạo (thường là 7 hạt với nam, 9 hạt với nữ) với mong muốn người chết sang thế giới bên kia được no đủ, có tiền làm vốn, tiêu xài ở thế giới bên kia.
Lễ phạt mộc: Vốn theo quan niệm “vạn vật hữu linh”, quan tài thường có “mộc tinh” ẩn nấp, khi mua quan tài về, gia đình người chết phải làm lễ đuổi “mộc tinh” ra khỏi áo quan, nếu không “mộc tinh” sẽ quấy nhiễu thi thể người chết và gây hại cho người còn sống.
Lễ báo tang: Khi gia đình có người thân qua đời, con trai trưởng phải đảm nhiệm việc báo tang cho họ hàng, bạn bè, hàng xóm.
Lễ mua nước: Khi gia đình có người thân qua đời, con trai trưởng phải dẫn mọi người ra sông thắp hương làm lễ xin thần sông nước về tắm rủa cho người chết.
Lễ mộc dục: Sau khi mua nước về, con cái sẽ dùng nước đó để lau chùi sạch sẽ cho người chết. Nghi lễ này gọi là “lễ mộc dục”. Thường thì con trai sẽ thực hiện lễ mộc dục cho bố, con gái thực hiện lễ mộc dục cho mẹ.
Lễ khâm liệm: Phải chọn giờ tốt để tiến hành khâm liệm. Khâm liệm chia làm tiểu liệm và đại liệm. Lúc khâm liệm, con cháu phải tập hợp đầy đủ xung quanh thi hài người chết, nhưng kiêng không được khóc, không để nước mắt rớt vào thi hài người chết, sợ rằng linh hồn người chết bịn rịn, vấn vương theo người nào để rơi nước mắt xuống.
Lễ thiết trùng Linh hồn người chết thường được gọi là “trùng”. Nghi thức thiết trùng là nghi thức khắc tên người chết lên ván gỗ để tượng trưng cho linh hồn họ.
Lễ nhập quan: Phải chọn giờ tốt để tiến hành nhập quan. Tùy vào tín ngưỡng và tôn giáo của người chết, gia đình người quá cố sẽ mời thầy cúng hay đạo sĩ hoặc nhà sư làm phép hay đọc kinh cầu siêu cho người quá cố. Khi nhập quan, thân nhân của người chết sẽ để vào quan tài những vật dụng cần thiết, một tờ giấy được thầy cúng viết họ tên, ngày giờ sinh và mất của người quá cố và rất nhiều tiền vàng làm lộ phí. Thân nhân người chết đều phải có mặt, trừ những người kỵ tuổi với người chết.
Lễ an vị: Sau khi nhập quan, quan tài được đặt ở chính linh đường. Trước quan tài kê sẵn một bàn thờ, trên bàn thờ có bát hương, hai bình hoa, bài vị của người chết, đèn nến, đồ lễ cúng và hai hình người nộm bằng giấy. Bên cạnh bàn thờ có một nhà giấy làm nơi linh hồn người chết trú ngụ. Gia đình có người chết phải treo hai chiếc đèn lồng trắng, ghi họ và tuổi người chết, đồng thời trong nhà treo rất nhiều giấy màu gọi là giấy liễng. Nhìn vào đèn lồng và màu sắc của giấy liễng có thể phân biệt được sự khác nhau về giới tính và độ tuổi của người mất.
Lễ phát tang: Sau khi quan tài đã an vị tại linh đường, con cháu phải ngồi ở hai bên, trai bên trái, gái bên phải. Lúc này gia đình người chết mới bắt đầu làm lễ phát tang.
Lễ viếng: Người Hoa thường phúng viếng bằng tiền, giỏ trái cây hoặc bức trướng.
Nếu người chết đã có con dâu, bố mẹ đẻ của con dâu sẽ gửi cúng bố (mẹ) chồng hai tấm vải đậy quan tài màu trắng, giữa hai tấm có may một dải vải đỏ.
Nếu người chết có con rể, con rể sẽ cúng heo quay (trên lưng heo có cắm con dao). Trong trường hợp người chết đi theo Đạo Phật, gia đình sẽ không nhận cúng lợn quay.
Lễ qua cầu. (quan trọng nhất với người Triều Châu) người ta làm một chiếc cầu bằng giấy, một con sông tượng trưng bằng một thau nước, một rương đựng quần áo. Sau đó, con cháu người quá cố lần lượt sắp hàng theo thứ tự: con trai cầm lư hương làm động tác qua cầu… lần lượt như vậy cho tới người cuối cùng. Lúc qua cầu người ta rắc tiền xuống cầu và sông. Lễ qua cầu có ý nghĩa rửa tội cho người chết, tiễn đưa người chết sẽ dùng những đồng tiền ấy.
Lễ động quan: Đến đúng giờ tốt đã được chọn trước Thầy cúng làm phép đánh thức linh hồn người chết đi cùng theo xác về thế giới bên kia. Con cái, theo thứ tự từ lớn đến bé, từ nam đến nữ lần lượt đi vòng quanh quan tài vái lạy người quá cố rồi đứng đằng sau quan tài, dần dần di chuyển từ linh đường ra xe tang. Khi đám tang đi trên đường người ta rắc những thỏi vàng mã bằng giấy, tiền giấy trên đường. Người Hoa tin rằng việc rắc những thứ đó trên đường để cản ma quỷ vào bu quanh người chết.
Lễ hạ huyệt: Lễ hạ huyệt được tiến hành theo giờ tốt đã chọn, thực hiện bằng cách mỗi người ném một nắm đất nhỏ xuống huyệt, bắt đầu từ người con trai cả, cho đến khi huyệt lấp đầy. Sau khi đắp xong mộ, thân nhân của người chết sẽ đốt tiền vàng, hình nhân ngay tại mộ để người chết sang thế giới bên kia có tiền bạc tiêu xài và có người bảo vệ, phục vụ. Cặp đèn lồng thì mang về treo hai bên bàn thờ, sau khi cúng bách nhật sẽ đốt cùng với nhà giấy. Thân nhân của người chết sẽ đi một vòng quanh mộ trước khi rời xa người chết để ra về. Tang lễ đến đây là kết thúc.
Sau tang lễ, tang gia người Hoa Chợ Lớn còn hàng loạt nhưng nghi lễ sau khi an táng để làm tròn trách nhiệm, báo đáp người đã khuất mà An Duyên sẽ gửi gắm và phần 2 của bài viết. An Duyên hi vọng qua những tổng hợp trên sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những nghi lễ, tập tục của người Hoa Chợ Lớn, đấy là nét đẹp văn hoá cần giữ gìn.
Mong mọi người hoan hỉ đón nhận, nếu còn sai hoặc thiếu sót, An Duyên rất hi vọng nhận được sự đóng góp để có thể chia sẻ thêm cùng mọi người.
--- *Xem thêm các bài viết về Chợ Lớn tại: https://www.anduyencholon.com/blog/categories/chuyện-chợ-lớn
Hoan hỉ, An Duyên
-----------------
AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn 𝐖𝐞𝐛:anduyencholon.com 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668 𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5
#cholon #cholondowntown #chợlớn #madeincholon #kayatoast #cholonfood #saigonfood #foodysaigon #foodycholon #an_duyên_chợ_lớn #chinatown #quận5 #saigon #saigonese #món_hoa #ansapsaigon #ansapquan5 #foody
hay quá bạn ơi, khi nào ra phần 2 vậy bạn?