top of page
Writer's pictureDang Quoc Truong

CHUYỆN CHỢ LỚN - Giáo dục người Hoa tại Chợ Lớn, hành trình hơn 110 năm

Giáo dục người Hoa đã hình thành hơn 110 năm với nhiều thành tựu đi trước nền giáo dục đương thời của nước sở tại, những di sản về giáo dục mà người Hoa đã để lại cho Sài Gòn - Chợ Lớn là gì?

 

An Duyên Chợ Lớn, tiệm cơm, Chợ Lớn, An Duyên, món hoa, món Trung hoa, món ngon quận 5, nhà hàng quận 5, quán ăn quận 5, ăn gì quận 5, food review, chợ lớn xưa, chợ lớn nay, cholondowntown, chợ lớn ngày nay, văn hóa chợ lớn, chợ lớn xưa và nay, chuyện chợ lớn, đánh giá tiệm ăn Chợ Lớn, tiệm ăn gia đình quận 5, tiệm cơm q5, món người hoa, tiệm cơm người hoa
Trường Mân Chương- ngôi trường đầu tiên của người Hoa ở Chợ Lớn

Giáo dục là cách giữ gìn văn hoá ở nơi “đất khách”

Trong giai đoạn Pháp thuộc thực hiện chính sách “ngu dân” ở xứ thuộc địa, chính quyền không hề chăm lo cho giáo dục. Điểm sáng duy nhất khi đó chính là những “ngôi trường” tạm thường được thành lập bên trong các hội quán, chùa, đình của người Hoa. Buổi đầu sơ khai, khi việc an cư dần ổn định, người Hoa đã cắt cử những người chỉ cần biết đọc, biết viết thì tập trung con em đồng hương lại để dạy.



Khi cộng đồng người Hoa có sự phát triển mạnh về kinh tế, các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xã hội và giáo dục được đẩy mạnh theo mô hình tự lập dạng tư thục và lớp vỡ lòng. Văn minh chữ Hán được giữ gìn như một bản thể Trung Hoa kết nối người Hoa xa xứ với nhau, nên ý thức lưu giữ, truyền thừa rộng rãi chữ viết được xem là cách giữ gìn bản sắc và văn hoá người Hoa, nếu không viết, nói, đọc được thì sẽ bị xem là “mất gốc”. Bang hội người Hoa ở Chợ Lớn luôn chú trọng xây dựng cho riêng nhóm ngôn ngữ mình hệ thống trường học, ưu tiên dạy ngôn ngữ và có giáo trình giảng dạy riêng biệt, do đó dễ thấy tại sao các trường học luôn nằm cạnh các hội quán lớn.


Theo Toàn Quyền Đông Dương Paul Dumer, nhưng người Hoa giàu có luôn ủng hộ một cách hào phóng lời kêu gọi xây dựng trường học cho con em người Hoa. Như tạm bỏ diễu hành rước Bà hằng năm lấy quỹ xây trường Tuệ Thành, hay đấu giá bán lồng đèn chùa Ông lấy quỹ cho trường Nghĩa An…


Những ngôi trường đầu tiên của người Hoa tại Chợ Lớn



Từ sự kiện nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đến Chợ Lớn, việc mở mang dân trí được chú trọng hơn, nhận thấy ý nghĩa to lớn của giáo dục con em mình, các thân sĩ Mân kiều (người hoa gốc Phúc Kiến) cụ thể là ông Tạ Má Diên(谢妈延), Tào Doãn Trạch (曹云泽) mở trường Mân Chương tại hội quán Hà Chương vào năm thứ 4 trước kỷ nguyên Dân Quốc (1908).


Hưởng ứng theo sau có các thân sĩ Việt kiều (粤) (người Hoa kiều gốc Quảng Đông) có ông Lý Trác Phong (李卓峰), Phùng Phù Tinh (冯符星) kiến nghị xây dựng trường Tuệ Thành tại phía bên phải chùa Bà Thiên Hậu (Hội quán Tuệ Thành) vào năm thứ 1 trước kỷ nguyên Dân Quốc (1910), đây chính là thời điểm hình thành sơ khai của hai ngôi trường công Mân và Việt (Phúc Kiến và Quảng Đông).



Sau năm Dân Quốc đầu tiên (1912), các trường Nghĩa An, Sùng Chính, Tam Dân… và trường công lập của các bang lần lượt được thành lập, nhưng các trường này chỉ tuyển học sinh nam. Trong bối cảnh phong trào nữ quyền đang rầm rộ, các trường học dành cho học sinh nữ như Khôn Đức, Chấn Hoa, Á Đông, Thiếu Trúc… được thành lập với lượng lớn học sinh nữ theo học, hình thành một luồng gió mới trong cộng đồng Hoa kiều. Đến năm 1931, trường công lập của các bang gồm, Nghĩa An, Quảng Thiệu, Tuệ Thành, Phúc Kiến, Sùng Chính đều lần lượt thành lập bộ phận trung học, nên trường trung học (sơ trung) tạo thêm tiền đề cho việc tiến học cao hơn về sau.


Khi ấy trường học Tư thục cũng khá phát triển do các giáo viên, học giả như Lý Hậu Trai, Đặng Ngọc Hằng, Lưu Quan Thành, Lao Mạnh Tài, các vị tiên sinh này đều chuyên sâu trong lĩnh vực của riêng mình, do đó được rất nhiều học trò theo học, thư xá của các ông tồn tại hơn chục năm cho đến khi các vị qua đời.




Hệ thống giáo dục còn nhiều hỗn tạp


Trường học người Hoa chia làm ba loại: trường Dân lập (do các bang, hội đồng hương lập), trường Tư thục (do nhóm hay cá nhân tự lập ra), trường do các Tôn giáo lập.

Theo khảo sát học kỳ đầu năm 1937, Sài Gòn-Chợ Lớn có khoảng 97 trường tiểu học và trung học dạy tiếng Hoa, với đội ngũ giáo viên 911 người, học sinh khoảng 25.226 người. Cho đến trước năm 1945 hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ đều có trường do người Hoa thành lập. Tính riêng Sài Gòn Chợ Lớn có khoảng 120 trường, trong đó có 47 trường dạy bằng tiếng Hoa hoặc nhóm ngôn ngữ địa phương.



Về mặt giáo trình còn khá là hỗn tạp, ví như tiểu học nâng cao có các môn: Sử, Địa, Công dân vừa có môn Xã hội, các môn khác như Văn Thư và Cổ Văn đều được liệt vào giáo trình giảng dạy. Đến 1946, ông Trần Văn Đăng, chức vụ giám sát (đốc học) của Bộ Giáo Dục Trung Hoa Dân Quốc đến Việt Nam thị sát, thì giáo trình các trường mới điều chỉnh theo quy định của bộ.


Còn về cơ cấu tổ chức hành chính nội bộ. Các trường có quy mô tương đối lớn đa số sẽ áp dụng chế độ kiềng ba chân: Giáo vụ - Huấn đạo - Sự vụ, nhưng chưa thể đạt được mục tiêu giáo vụ và huấn đạo hợp nhất, mà chỉ thực hiện theo kiểu chuyên môn theo mảng riêng, do đó hoạt động giáo vụ phần lớn vẫn chưa được thi hành tốt.




Giám sát và quản lý các trường người Hoa

Về quản lý hành chính của các trường Ngoại Kiều, gồm có Bộ Giáo Dục VNCH, Cục Giáo Dục Liên Bang, và đơn vị phụ trách quản lý giám sát việc dạy học Sài Gòn-Chợ Lớn. Đối với trường hợp số lượng học sinh trẻ em người Hoa trên 5 người, phải trình báo lên cơ quan chức năng để xin cấp phép mở trường học.



Về vấn đề thủ tục xin mở trường học, trước tiên người xin giấy phép phải cung cấp chứng nhận giảng dạy tiếng Hoa được thi đậu tại địa phương, hoặc văn bằng hợp lệ do cơ quan nhà nước cấp, kèm theo đó là giấy xác nhận không phạm tội, giấy khai sinh, giấy hạnh kiểm của bổn bang (các bang hội của người Hoa), đệ trình lên cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục xin mở trường.

Giáo viên giảng dạy tại các trường cũng phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên. Mùa xuân hằng năm, cơ quan chức năng sẽ tới sát hạch trình độ tiếng Hoa và tiếng Pháp của giáo viên đứng lớp, chế độ sát hạch này lập ra dành riêng cho các trường Ngoại Kiều.



Giáo dục người Hoa đã có hơn 100 năm phát triển, từ việc duy trì ngôn ngữ, văn hoá cho con em, đã trở thành định hướng chung cho hoạt động của bang hội với sự hỗ trợ rất lớn từ các mạnh thường quân đồng hương. Thế mới thấy sự đầu tư và quan tâm cho giáo dục của người Hoa là rất lớn và được xem trọng, kể cả trong thời kỳ khó khăn. Trước kia, người Hoa tập trung cho con em học tiếng Hoa để buôn bán, phục vụ công việc làm ăn chứ không quan tâm đến việc học cao hay làm hành chánh . Ngày nay, người Hoa Chợ Lớn còn cho con em mình học tiếng Hoa chỉ để gìn giữ tiếng nói quê hương, còn chủ yếu tập trung cho con em học hết chương trình phổ thông để thi vào cao đẳng, đại học. Đây là một chuyển biến lớn trong suy nghĩ của người Hoa so với trước năm 1975.


Hoan hỉ,

An Duyên

Được hỗ trợ nội dung bởi Phòng Trưng Bày Văn Hóa Người Hoa Sài Gòn Chợ Lớn


* Giảm 10% toàn thực đơn khi #đặt_bàn & #giao_hàng

AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn

𝐖𝐞𝐛:anduyencholon.com

𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668

𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5





1 Comment


Van Doan
Van Doan
Sep 10, 2023

Bài viết rất hay cảm ơn An Duyên. Đoàn Văn ở Đức.


Like
bottom of page