Ai ở Chợ Lớn hay miền Tây Nam bộ mà không quen với hai chữa "Bà ba" từ chiếc áo bà ba - hay món chè bà ba quen thuộc, nhưng gốc tích của chữ "bà ba" có phải là bà thứ Ba theo cách người miền Nam hay gọi, hay đó là di sản của người "Bà Ba" - Baba Nyonya.
Baba Nyonya hay Peranakan Chinese là danh xưng để gọi người gốc Hoa di dân và định cư ở Mã Lai và Tân Gia Ba từ thế kỷ 15 - đến 17. Đi ngược về hơn hai thế kỷ trước, thương gia người Baba Nyonya đã đến vùng đất Chợ Lớn và để lại những di sản từ văn hóa, ẩm thực, kiến trúc cho đến tận ngày nay. Không ít công trình nhà cổ tại Chợ Lớn hiện nay còn sót lại chính là nhà phố theo mô hình shopping house mà người Baba Nyonya mang đến. Nhưng dường như không ai biết về sự xuất hiện của họ ở nơi đây
Nhà cổ Chợ Lớn và kiến trúc Bà Ba
Nếu xem qua những bức ảnh xưa về khu Boat Quay và Clark Quay của người Baba Nyonya và khu Bến Chương Dương - Kênh Tàu Hủ nếu không có chú thích chắc hẳn bạn sẽ khó bề phân định được.
Theo tờ Corrier Saigon (số ngày 20/12/1864) - Nhà gạch dọc rạch Bến Nghé - kênh Arroyo Chinois (kênh Tàu Hủ ngày nay) được một người Baba xây dựng với tên gọi là Ban - Hap (Vạn Hòa, tên thật là Gan Wee Tin). Trong đó có ngôi nhà được bình chọn là ngôi nhà hai tầng đẹp nhất nơi đây, được thống đốc De La Grandiere mời đến tặng thưởng.
Nhà phố Bến Bình Đông, nhà phố Bến Chương Dương chính là hai miêu tả điển hình cho phong cách kiến trúc người Baba Nyonya tại Sài Gòn và Chợ Lớn. Xem qua các khu phố cỗ ở Clark Quay (Tân Gia Ba) hay Malaka (Mã Lai) sẽ thấy rõ sự thống nhất trong thiết kế của người Baba những nơi họ đặt chân đến.
Dãy nhà này xây theo kiểu nhà phố liền kề, với tổng chiều dài khoảng hơn 100 mét, chiều ngang ướm chừng 4-5 mét, cao hai tầng và mái lợp ngói; với chức năng là vừa ở vừa buôn bán. Hiện nay kiến trúc đã có nhiều biến đổi song cấu trúc chung trong tổng thể vẫn còn hiện rõ nét. Gọi là "shop house" vì tầng trệt dãy nhà được sử dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh. từ tầng hai sẽ là nơi gia chủ cư ngụ.
Dấu ấn cộng đồng Baba tại Chợ Lớn
Hội quán người Baba tại Chợ Lớn: người Baba đã xây dựng hội quán tại Chợ Lớn từ rất sớm để hỗ trợ việc làm ăn giao thương và hỗ trợ đồng hương. Hội quán đầu tiên được thành lập năm 1878 tại số 64 đường Paris (đường Phùng Hưng, cạnh đường Phúc Kiến) - và một hội quán khác thành lập năm 1886 tại 105 đường Rue De Marins (Trần Hưng Đạo ngày nay). Hội trưởng của hội người Baba chính là ông Tay Chow Beng (鄭昭明) cùng ban quản trị,
Chùa Phụng Sơn - chùa Ông Bổn xóm Bà Ba (nay là ngã tư Ký Con - Nguyễn Công Trứ), chính là chùa riêng được xây dựng làm nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng Baba. Tại Chợ Lớn, con đường Phúc Kiến có đến hơn 50 hộ nhà người Baba trải dài hết con đường nên còn được gọi là đường Bà Ba (Rue Des Baba).
Người Baba tại Chợ Lớn chủ yếu mua bán lúa gạo, nông phẩm, thầu địa ốc, sản xuất thuốc phiện. Lúa gạo và nông sản từ miền tây được người Baba tập kết tại các kho bãi lớn ở kênh Tàu Hủ, bến Bình Đông để xuất khẩu qua nhiều nước Đông Nam Á.
Ảnh hưởng văn hóa Bà Ba
Nhiều món ngon của người Baba du nhập đến Chợ Lớn, làm giàu thêm nền ẩm thực giao thoa văn hóa nơi đây, đặc biệt nhất phải kể đến Chè Bà Ba hay áo Bà Ba mà đến nay dường như tất cả mọi người đều quen thuộc mà quên đi gốc tích của chúng.
Theo nhà văn Sơn Nam
Áo bà ba được du nhập vào khoảng cuối thế kỷ 19, Bà-ba là người Hoa lai người Mã Lai ở Mã Lai hoặc Singapore. Vải đen được nhập cảng khá tốt, người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Ngày nay, áo bà ba vẫn có thể gợi sự nghiêm túc nếu đừng loè loẹt, cần nhất là thái độ của người mặc.
Chè bà ba - âm hưởng món Bubur Cha Cha của người Baba
Được bán nổi tiếng từ Chợ Lớn từ những năm đầu thế kỷ 20, sau đó lan rộng về các tỉnh miền Tây, chè bà ba. Cả hai món đều có chung nguyên liệu từ nước cốt dừa, bột khoai, khoai lang, đường cát... Món chè Bubur Cha Cha thanh ngọt làm dịu mát cái nóng của xứ nhiệt đới, lại phù hợp với các loại sản vật có sẳn ở địa phương nên nhanh chóng lan rộng và phổ biến.
---
Chính sách Hoa Kiều 1956 đã buộc nhiều người Baba phải nhập tịch Việt Nam và đảm bảo nghĩa vụ như người Việt bản xứ, do đó những nhà thầu, chủ xưởng dần hồi hương, rời bỏ Sài Gòn - Chợ Lớn, sau hơn 50 năm gắn bó, cộng đồng chung sống hòa bình với người bản xứ, không hề để lại tai tiếng. Nhà cửa kiến trúc của những thầu xây dựng người Baba đã để lại cho Sài Gòn - Chợ Lớn những công trình nhà phố với kiến trúc vô cùng đặc sắc. Tiệm cơm An Duyên Chợ Lớn cũng là một trong những dãy nhà phố được xây dựng theo kiểu kiến trúc người Baba
---
*Xem thêm các bài viết về Chợ Lớn tại: https://www.anduyencholon.com/blog/categories/chuyện-chợ-lớn
Hoan hỉ,
An Duyên
-----------------
AN DUYÊN CHỢ LỚN - Ẩm Thực Chợ Lớn
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 028.629.88668
𝐀𝐝𝐝𝐫𝐞𝐬𝐬: 15 Trần Điện, P10, Q5
#cholon #cholondowntown #chợlớn #madeincholon #kayatoast #cholonfood #saigonfood #foodysaigon #foodycholon #an_duyên_chợ_lớn #chinatown #quận5 #saigon #saigonese #món_hoa #ansapsaigon #ansapquan5 #foody
Comments